Virus, vi khuẩn và ký sinh trùng đều là những sinh vật nhỏ nhưng có khả năng gây bệnh với con người. Cách những sinh vật này truyền bệnh cho con người rất khác nhau, do đó cần phân biệt rõ để điều trị hiệu quả.
1. Virus - tổ tiên của con người những cũng là nguyên nhân gây nhiều bệnh
Theo Business Insider, virus đã tồn tại từ rất lâu, được cho là sinh vật xuất hiện đầu tiên và là tổ tiên xa xưa nhất của tất cả các loài, trong đó có con người bởi chúng giúp ta xây dựng bộ gen. Theo các nhà khoa học, bộ Gene con người chứa đến 50% ADN từ virus retrovirus. Bên cạnh đó, virus cũng có thể là cơ sở hình thành nhiều enzyme sao chép ADN, đóng vai trò trong sự phân chia và phát triển tế bào.
Thế nhưng, Virus cũng có khả năng gây bệnh truyền nhiễm với cả con người và động vật, một số loài còn có thể sinh sống ở cả động vật và con người. Vòng đời sống của virus có hai giai đoạn, khi ở ngoài tế bào và khi lọt vào tế bào. Khi lọt vào tế bào, virus lợi dụng bộ máy của tế bào rồi nhân bản nhanh chóng.
Một số loại virus ít gây hại như virus cảm lạnh khiến cơ thể con người ốm yếu nhưng không gây hậu quả lâu dài. Nhưng có nhiều virus mang mầm bệnh nguy hiểm, nguy cơ đại dịch và tử vong. Tiêu biểu như chủng đại dịch cúm hàng năm đều lây lan tốc độ nhanh trong thời gian ngắn. Theo thống kê, riêng trong đại dịch cúm H1N1 năm 2009, thế giới có khoảng 201.200 người chết do hô hấp cấp và hơn 83.300 bệnh nhân tử vong khác liên quan.
Có thể nói, con người tiếp xúc với virus hàng ngày, trong môi trường sống, nhưng không phải lúc nào ta cũng nhiễm bệnh, nguyên nhân là do hệ miễn dịch cơ thể có thể giải quyết được phần lớn chúng. Cơ thể chỉ ốm khi tiếp xúc lần đầu tiên với virus mới hoặc do phơi nhiễm lượng lớn virus.
Các chủng virus cúm thông thường cũng thay đổi từng năm, kéo theo khả năng miễn dịch cơ thể với virus cúm có thể không bảo vệ được chúng ta nữa. Đặc biệt ngoài khả năng biến đổi, virus còn lây lan và tái tạo nhanh chóng, trở thành những tác nhân gây bệnh đáng sợ, giống như là vũ khí hủy kháng hàng loạt.
Cũng có những loài virus giết người một cách từ từ, như virus bệnh dại ủ bệnh trong thời gian dài (1 - 3 tháng), khi triệu chứng xuất hiện, người bệnh chắc chắn tử vong. Tuy nhiên, virus này đã có thể phòng ngừa bằng vắc-xin phòng bệnh dại.
Với bệnh do virus, Vắc-xin là cách phòng chống tốt nhất, với cơ chế kích hoạt phản ứng miễn dịch cơ thể, để cơ thể phản ứng bảo vệ hiệu quả hơn khi nhiễm virus. Vắc-xin cũng làm giảm mức nguy hiểm của nhiều chủng virus như sởi, rubella, cúm hay đậu mùa.
2. Vi khuẩn – có lợi và cũng có hại
Trong cơ thể người có một số vi khuẩn có lợi, giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch chống tác nhân gây bệnh, cũng giúp ích quá trình tiêu hóa đường ruột. Tuy nhiên, không phải vi khuẩn nào cũng lành tính như vậy.
Nhiều loại vi khuẩn chuyên gây bệnh ở người, phổ biến như khuẩn tụ cầu, vi khuẩn gây ngộ độc, bệnh lậu, loét dạ dày, bạch hầu và bệnh dịch hạch.
Vi khuẩn xâm nhập cơ thể, các tế bào và mạch máu, đem theo độc tố làm nhiễm độc cơ thể, hoặc cạnh tranh chất dinh dưỡng, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh. Các phương pháp điều trị với các loại vi khuẩn là khác nhau, phụ thuộc vào cách thức chúng gây bệnh.
Chăm sóc hỗ trợ được coi là phương pháp điều trị chính để ngăn chặn và làm giảm biến chứng, duy trì sức khỏe bệnh nhân với bệnh nhiễm khuẩn. Các loại kháng sinh có thể tiêu kháng vi khuẩn, nhưng riêng với ngộ độc thì việc tiêu kháng này khiến vi khuẩn tiết nhiều độc tố hơn. Do đó, trường hợp này, bệnh nhân cần dùng thuốc kháng độc hoặc cố ói mửa. Ngày nay, do lạm dụng và sử dụng quá mức kháng sinh, vi khuẩn ngày càng kháng thuốc.
Có thể ngăn chặn vi khuẩn bằng vắc-xin, hoặc đơn giản hơn là rửa tay đúng cách, khử trùng dụng cụ, sử dụng nước sạch và nấu ăn với nhiệt độ thích hợp.
3. Ký sinh trùng – kẻ ăn bám nguy hiểm
Nằm trong nhóm thứ ba, Ký sinh trùng là tập hợp của nhiều sinh vật đa dạng, sống ký sinh trong hoặc trên cơ thể vật chủ, cả động vật và con người. Ký sinh trùng có thể là sinh vật đơn bào hoặc sinh vật lớn như giun. Ký sinh trùng tồn tại ở khắp nơi, giữ vai trò quan trọng và phức tạp của hệ sinh thái.
Với con người, ký sinh trùng cũng gây ra nhiều bệnh, nguy hiểm hơn ở nước đang phát triển bởi bệnh nhiễm ký sinh trùng thường đi kèm với điều kiện vệ sinh thiếu thốn và nghèo đói.
Theo thống kê, sốt rét cứ 30 giây lại giết chết 1 trẻ em và 90% ca nhiễm bệnh đều tập trung ở châu Phi. Một số bệnh ký sinh trùng phổ biến khác như Leishmaniasis, giun chỉ hay bệnh phù chân voi.
Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm được vắc-xin phòng bệnh ký sinh ở người, nhưng có nhiều loại thuốc có thể chống lại ký sinh trùng. Ví dụ, như thuốc phòng chống ký sinh trùng đã đạt giải Nobel Y học 2015.
Dù là vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng, chúng đều giữ vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và con người. Tuy nhiên, những căn bệnh chúng gây ra đều rất nguy hiểm cần phòng ngừa.
Nguồn: Vinmec