Hội thảo “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà”
logo

Sáng ngày 02/11/2022, Hội thảo về  “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà” đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng); chuyên gia các hội, hiệp hội chuyên ngành xây dựng, y tế; giảng viên các trường đại học; chuyên gia Tập đoàn Panasonic cùng nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh cho biết: Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà trước nay vẫn nằm rải rác ở các tiêu chuẩn liên quan tới điều kiện khí hậu, chất lượng không khí hay các tiêu chuẩn liên quan. Sau một thời gian nghiên cứu, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã biên soạn thành công Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà.

Tiêu chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà, áp dụng cho các nhà ở và nhà công cộng khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa đông hay điều hòa không khí làm mát trong mùa hè.

Đặc biệt, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 sẽ được dùng làm điều kiện cơ sở để thiết kế kết cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió – điều hòa không khí của tòa nhà và đánh giá tiêu chí về chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh.

Toàn cảnh Hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Công Thịnh nhận định: Đối với các công trình xanh thì các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật liên quan đến chất lượng không khí trong nhà rất quan trọng. Tuy nhiên, trước khi Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 được ban hành, Việt Nam chưa hề có quy chuẩn, tiêu chuẩn nào về chất lượng không khí trong nhà, kiểm tra chỉ tiêu về các hợp chất VOCs, formaldehyde hay nấm mốc trước khi đưa vào sử dụng… Chính vì thế, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận thấy, lĩnh vực này rất cần có thêm các công cụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và chính sách để dần dần quản lý, đưa các công trình tại Việt Nam tiệm cận với các công trình trên thế giới về mặt vệ sinh, tiện nghi và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.

Đáng chú ý, trong Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vừa được ban hành sẽ có các chỉ tiêu mới liên quan đến kiểm soát nấm mốc, các hợp chất formaldehyde, VOCs…

Song cũng theo Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh, đối với Việt Nam, đây là những vấn đề tương đối mới nên hiện đang thiếu các chuyên gia, phương pháp và công cụ thử, đặc biệt là thiếu các phòng thử nghiệm, cũng như điều kiện kinh tế, kỹ thuật để lấy mẫu, đo đạc, quan trắc, giám sát và thử nghiệm, từ đó đánh giá các chỉ tiêu này.

Với việc ban hành Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 cùng với các Quyết định liên quan đến vấn đề nhãn sinh thái trong quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 02/2018/TT-BXD Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng và các văn bản sắp được ban hành (Bộ Xây dựng đang nghiên cứu ban hành quy định dán nhãn xanh cho vật liệu tiết kiệm năng lượng)…, chúng ta sẽ có thêm các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, thử nghiệm và chứng nhận các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng không khí trong nhà và chỉ tiêu phục vụ công bố môi trường đối với các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.

“Việc ban hành tiêu chuẩn này là rất quan trọng, nhưng việc bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh áp dụng tiêu chuẩn này vào thực tế còn quan trọng hơn nữa. Hiện nay, Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vẫn có tính chất tự nguyện áp dụng. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để sau một số năm áp dụng Tiêu chuẩn có thể đưa vào hệ thống các quy chuẩn của ngành Xây dựng, từ đó kiểm soát các nguyên tắc, các yêu cầu kỹ thuật cần đảm bảo trong quá trình lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành công trình” - Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh cho biết.

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng (Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Cố vấn trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp) phát biểu tại Hội thảo

Việc ban hành tiêu chuẩn là rất quan trọng, nhưng việc bảo đảm sự tuân thủ áp dụng nghiêm chỉnh tiêu chuẩn vào thực tế còn quan trọng hơn nhiều. Vì vậy, trong khuôn khổ hoạt động của sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2022, với mục đích phổ biến nội dung Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 và chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp kỹ thuật đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về chất lượng không khí trong nhà, Hội thảo “Giải pháp thiết kế, lắp đặt, sử dụng trang thiết bị công trình để đảm bảo điều kiện chất lượng không khí trong nhà” được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Xây dựng, Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp thuộc Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Panasonic.

PGS.TS Nguyễn Đức Lượng trình bày báo cáo "Một số giải pháp công nghệ kỹ thuật trong thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà"

Các vấn đề về không khí trong phòng có thể xảy ra do nhiều yếu tố liên quan đến bản chất của công trình hoặc tác động do con người. Thông thường, các vấn đề này phát sinh do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn như nguồn lây nhiễm từ bên trong hoặc bên ngoài công trình cộng thêm thông gió không đầy đủ. Bên cạnh đó, một số vấn đề có thể xảy ra do phơi nhiễm các chất gây dị ứng, thậm chí có thể kích thích hoặc làm tổn thương đường hô hấp hoặc phổi.

Ông Marukawa Yoichi - Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam phát biểu

Trong kế hoạch xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ Xây dựng đã giao Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nghiên cứu xây dựng dự thảo Tiêu chuẩn về Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà. Ngày 29 tháng 8 năm 2022, Tiêu chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại quyết định số 1686/QĐ-BKHCN. Việc ban hành tiêu chuẩn này có ý nghĩa rất quan trọng để tạo cơ sở pháp lý trong việc thiết kế, vận hành và quản lý công trình nhằm tạo lập một môi trường sống trong nhà có chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc cho người dân Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, Bộ Xây dựng đã cấp kinh phí và cùng với sự hỗ trợ về thiết bị của Tập đoàn Panasonic Nhật Bản để tiến hành đo đạc, khảo sát môi trường trong một số nhà ở và nhà làm việc ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Tiêu chuẩn này không phải là biên dịch hoàn toàn từ tiêu chuẩn nước ngoài mà là tiêu chuẩn được biên soạn dựa trên kết quả khảo sát môi trường thực tế ở Việt Nam, kết hợp với sự tham khảo các tiêu chuẩn có liên quan của một số nước trên thế giới. Do đó tiêu chuẩn này vừa có tính hiện đại, hòa nhập Quốc tế, vừa có tính thực tiễn, tính khả thi ở Việt Nam.

 Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, Hội thảo, GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng (Chủ tịch danh dự, nguyên Chủ tịch Hội Môi trường Xâg dựng Việt Nam, Cố vấn trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp) nhấn mạnh những quy định đảm bảo chất lượng không khí, các thông số chất lượng không khí trong nhà, hướng dẫn đảm bảo các thông số chất lượng không khí trong nhà, các bước giám sát chất lượng không khí trong nhà, đo lường chất lượng không khí trong nhà. Đặc biệt, nhóm đề tài đã nghiên cứu, xác định và đưa vào dự thảo những giải pháp cũng như các báo cáo cụ thể về thông số và thực trạng chất lượng không khí tại Việt Nam. Tiêu chuẩn này áp dụng cho tất cả nhà ở và nhà công cộng (bao gồm các loại nhà ở, các nhà văn phòng và trường học) sử dụng thiết bị điều hòa khí hậu. Tiêu chuẩn này xem xét các yếu tố môi trường như nhiệt độ, vật lý, hóa học, sinh học; không xét đến các yếu tố chiếu sáng, tiếng ồn, từ trường và khí Radon, yếu tố tâm lý xã hội.

Ông Nguyễn Duy Nghiêm trình bày báo cáo "Ví dụ điển hình về các sản phẩm và giải pháp công nghệ giúp cải thiện chất lượng không khí cho cuộc sống con người"

Trong Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo khoa học trong quá trình nghiên cứu gồm “Thực trạng chất lượng không khí trong nhà dân dụng  ở Việt Nam và giới thiệu tên chuẩn “TCVN 13521:2022 – Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà” do TS.KTS Phạm Thị Hải Hà trình bày; “Chất lượng không khí cho cuộc sống con người” do ông Ichiro Suganuma (Tập đoàn Panasonic) trình bày; “Một số giải pháp công nghệ kỹ thuật thiết kế và vận hành công trình để kiểm soát chất lượng không khí trong nhà” do PGS.TS Nguyễn Đức Lượng trình bày; “Ví dụ điển hình về các sản phẩm và giải pháp công nghệ giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà của tập đoàn Panasonic, do ông Nguyễn Kim Duy Nghiêm (Panasonic Electric Works Việt Nam) và ông Võ Văn Hoàng (Panasonic Air-conditioning Việt Nam) trình bày; “Định hướng tương lai của tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà, do ông Philip Ong, Trung tâm R&D Panasonic-Singapore trình bày.

Ông Ichiro Suganuma (Tập đoàn Panasonic) trình bày báo cáo “Chất lượng không khí cho cuộc sống con người”

Vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đang đặc biệt được cộng đồng quan tâm, không ngoài khỏi đó, Panasonic cũng đã và đang nghiên cứu đưa ra những phát minh mới góp phần nâng cao môi trường sống cho người dân. Giới thiệu các thông số kỹ thuật để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà của máy điều hoà không khí và các sản phẩm thông gió cơ khí của Panasonic

Tham dự hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của nhóm đề tài trong quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn, và nhất trí: Việc xây dựng “TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng – Các thông số chất lượng không khí trong nhà.” là một bước quan trọng của Việt Nam nhằm tiếp cận, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xây dựng tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng không khí trong nhà.

Các chuyên gia, đại biểu chụp hình lưu niệm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất liên quan tới ô nhiễm không khí, đặc biệt là không khí trong nhà. Khác với ô nhiễm ngoài trời chủ yếu liên quan tới bụi, ô nhiễm không khí trong nhà còn kết hợp với các yếu tố liên quan tới nấm mốc, vi khuẩn sản sinh ra từ các vật dụng, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Không những thế, mức độ tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của mỗi người với ô nhiễm không khí trong nhà cũng lớn hơn so với ô nhiễm ngoài trời do sự đề phòng của con người với ô nhiễm không khí trong nhà ít hơn so với ở ngoài trời. Bên cạnh đó, với không khí trong nhà, đôi khi con người lại vô tình tạo ra thêm các tác nhân gây ô nhiễm khác như sử dụng xịt phòng, các loại nến thơm, tinh dầu thơm…bởi các loại sản phẩm này thường sản sinh ra các hóa chất khác gây ô nhiễm không khí trong nhà. Do là sát thủ thầm lặng nên ô nhiễm không khí sẽ không gây ra tác động ngay lập tức, trực diện lên sức khỏe con người, nhất là những người khỏe mạnh. Vì thế, nhiều người khỏe mạnh thường có lầm tưởng về việc không chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở trong nhà.

Kết luận tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh khẳng định: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phổ biến Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 đến các bên có liên quan và tham gia nghiên cứu tính khả thi của việc đưa một số nội dung tiêu chuẩn vào Quy chuẩn 04 mới về nhà ở và công trình công cộng.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật để giải quyết các vướng mắc trong quá trình áp dụng Tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 vào thực tiễn hiệu quả nhất.

TIN MỚI NHẤT

Khám phá sức mạnh bảo vệ của miếng kháng khuẩn quai balo

Khám phá sức mạnh bảo vệ của miếng kháng khuẩn quai balo

Trong thế giới ngày nay, khi sự nhộn nhịp và
Miếng kháng khuẩn tay nắm cửa và vai trò quan trọng hằng ngày

Miếng kháng khuẩn tay nắm cửa và vai trò quan trọng hằng ngày

Tay nắm cửa, với vai trò quan trọng trong

CỘNG ĐỒNG