COVID-19: Chúng ta biết những gì về Coronavirus
logo
Bài của bác sĩ, giáo sư phụ tá y khoa Matthew E. Levison, Trường cao đẳng Dược của Đại học Drexel
Bác sĩ Matthew E. Levison

Nhóm coronavirus là các vi rút có vỏ ARN, đặc trưng bởi các gai protein bề mặt, dưới kính hiển vi điện tử các gai đó trông giống như quầng sáng (corona) của mặt trời. Rất nhiều coronavirus, được phát hiện lần đầu tiên ở gia cầm vào những năm 1930, gây ra các bệnh lý ở đường hô hấp, đường tiêu hóa, gan và thần kinh ở động vật.

Nhiễm coronavirus ở người (HCoV)

Chỉ có 7 loại coronavirus gây bệnh ở người (HCoV).

 Bốn trong số 7 loại HCoV (HCoV-NL63, -229E, -OC43 và -HKU1) gây nhiễm trùng đường hô hấp trên nhẹ và tự khỏi, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, nhưng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới nặng, bao gồm cả viêm phổi, cho trẻ sơ sinh, người cao tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch. Những trường hợp nhiễm HCoV cho thấy một mô hình theo mùa với hầu hết các ca xảy ra trong những tháng mùa đông ở vùng khí hậu ôn đới.

Ba trong số 7 loại HCoV (SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV2) đã gây ra những đợt bùng phát dịch lớn về bệnh viêm phổi chết người trong thế kỷ 21. 

SARS-CoV

Đợt bùng phát dịch đầu tiên trong số các đợt bùng phát này, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), xuất hiện lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2002 tại tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc và gây ra dịch lan rộng trong vòng vài tháng tới 29 quốc gia và 6 lục địa. Đợt bùng phát dịch này đã làm hơn 8.000 người mắc bệnh và gần 800 người tử vong người trên toàn thế giới. Phần lớn các trường hợp xảy ra ở Trung Quốc và Hồng Kông. Ở Hoa Kỳ, chỉ có 8 người bị SARS có chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm; tất cả 8 người đã từng đi đến các khu vực xảy ra lây truyền SARS-CoV. Tỷ lệ tử vong theo trường hợp nói chung là 10%, nhưng thay đổi theo độ tuổi, trong phạm vi từ < 1% ở những người từ 24 tuổi trở xuống đến > 50% số các ca ở những người từ 65 tuổi trở lên.

Nguồn gây nhiễm SARS là cầy hương (động vật có vú giống mèo) đã được bán làm thực phẩm tại các chợ động vật sống địa phương ở Quảng Đông. Sau khi thâm nhập vào người, SARS-CoV dễ dàng lây lan từ người sang người qua các giọt dịch bắn ra từ đường hô hấp, khí dung và lây truyền qua đường phân lên miệng (tiêu chảy là biểu hiện phổ biến của nhiễm bệnh).

MERS-CoV

Loại HCoV tiếp theo gây nhiễm trùng chết người là coronavirus gây Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), xuất hiện ở bán đảo Ả Rập vào tháng 9 năm 2012. MERS-CoV đã gây ra các đợt bùng phát bệnh tái phát làm hơn 2.500 người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong theo trường hợp khoảng 35%. Hầu hết những người nhiễm bệnh sống ở tại hoặc gần đây đi từ Bán đảo Ả Rập. 85% số trường hợp được báo cáo từ Ả Rập Saudi. Đợt bùng phát dịch MERS lớn nhất bên ngoài Bán đảo Ả Rập xảy ra ở Hàn Quốc vào năm 2015, liên quan đến một du khách trở về từ Bán đảo Ả Rập.

MERS-CoV, giống như SARS-CoV, do động vật lây truyền bệnh, lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với lạc đà. MERS-CoV cũng lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp, đồ vật truyền bệnh và các giọt dịch bắn từ đường hô hấp. 42% trong số tất cả các ca của năm 2018-2019 có liên quan với các cụm lây truyền từ người sang người trong các hộ gia đình hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe. 60% số ca không rõ nguồn gốc lây bệnh. Vi rút MERS-CoV được phát hiện trong dịch bài tiết của đường hô hấp, phân, huyết thanh và nước tiểu, và vi rút đã được phát hiện trên những người sống sót trong từ một tháng trở lên sau khi khởi phát.

SARS-CoV2 (COVID-19)

Loại HCoV thứ bảy được phát hiện là SARS-CoV2, nguyên nhân gây ra đợt một bùng phát dịch, có tên là COVID-19, hiện đang lan rộng trên toàn thế giới. Đợt bùng phát dịch bắt đầu ở Vũ Hán, một thành phố có hơn 11 triệu dân, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc. (Vũ Hán là nơi có Viện Vi rút học Vũ Hán, một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu coronavirus, mặc dù không có mối liên hệ nào giữa nghiên cứu và đợt bùng phát dịch hiện nay.) Bệnh được cho là bắt nguồn từ dơi và đã lây sang người tại một chợ bán hải sản và động vật sống trong thành phố này, thông qua một vật chủ trung gian (được cho là tê tê, một loài động vật có vú ăn thịt có vảy) được bán như một loại thực phẩm lạ ở chợ; 55% số các ca phát hiện sớm có liên quan tới khu chợ đó, chợ đã bị đóng cửa vào ngày 1 tháng 1 năm 2020. Các ca sau đó có khả năng bị lây nhiễm từ những người khác mắc bệnh (1). Thời gian ủ bệnh đối với 95% số ca đã được báo cáo là ≤14 ngày, đây là yếu tố giải thích cho thời gian cách ly 14 ngày.

Sau 9 tuần lây truyền bệnh liên tục, tỉnh Hồ Bắc hiện nay báo cáo 64.084 ca được chẩn đoán mắc bệnh với 2.346 ca tử vong. Số lượng ca trên thực tế có lẽ cao hơn nhiều vì chỉ những ca nặng nhất mới được đưa vào trong các báo cáo do thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm. Sự xuất hiện của nhiều ca nhiễm bệnh nhẹ không được chẩn đoán có khả năng là đang làm hạn chế những nỗ lực kiểm soát sự lây lan hơn nữa của bệnh này. Tốc độ lây lan cao khi so sánh với đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, cho thấy SARS-CoV2 có khả năng lây truyền cao hơn nhiều so với SARS-CoV.

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã ứng phó bằng biện pháp cách ly hàng triệu người ở tỉnh Hồ Bắc. Các hạn chế được ban hành vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, khi nhiều người dân trở về nhà ăn Tết. Trên thực tế, người ta ước tính rằng năm triệu người đã rời Vũ Hán trước khi lệnh đóng cửa bắt đầu và số ca đã tăng tương ứng ở các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Ngoài ra, các trường hợp có tiền sử du lịch đến hoặc đi từ Vũ Hán sau đó bắt đầu xuất hiện bên ngoài Trung Quốc, ở những nơi như Hồng Kông và Singapore.

Mức độ lan truyền của SARS-CoV2

SARS-CoV2 được cho là lây lan chủ yếu do

  • Hít phải các giọt dịch bắn từ đường hô hấp có kích thước lớn chứa vi rút sống, phát tán trong bán kính 1 mét từ người bị ho hoặc hắt hơi

Các phương thức khác của lây truyền bệnh bao gồm

  • Chạm vào các bề mặt bị nhiễm vi rút và sau đó chạm vào mắt, mũi hoặc miệng
  • Có thể là hít phải lượng nhỏ khí thải ra của đường hô hấp trong không khí có chứa vi rút
  • Có thể là lây truyền qua đường phân lên miệng

Những người siêu lây lan đóng một vai trò nổi trội trong việc thúc đẩy đợt bùng phát dịch SARS 2003 và cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong đợt bùng phát dịch COVID-19 hiện tại. Một người siêu lây lan là người truyền bệnh cho người khác với số người bị nhiễm nhiều hơn đáng kể so với số người bị nhiễm bệnh trung bình. Nhiều yếu tố góp phần vào tình trạng siêu lây lan, bao gồm hành vi của vật chủ làm tăng số lượng và thời gian tiếp xúc với những người dễ mắc bệnh, đông người, thông khí kém, quy trình cách ly không đúng cách, sự di chuyển không cần thiết của những người nhiễm bệnh, chẩn đoán sai, độc lực và tải lượng vi rút và đồng nhiễm một mầm bệnh khác.

Một người siêu lây lan COVID-19, một doanh nhân người Anh, đã nhiễm SARS-CoV2 tại một hội nghị ở Singapore vào ngày 20-22 tháng 1 năm 2020 với sự tham dự của 109 người từ nhiều quốc gia khác nhau, ít nhất là một trong số họ đến từ Hồ Bắc, trước khi đến Pháp, nơi anh ta lây bệnh cho 11 khách mời tại một khu nhà gỗ trượt tuyết ở dãy Alps của Pháp. Sau đó anh ta bay về Vương quốc Anh qua Thụy Sĩ trước khi phát hiện ra anh ta nhiễm SARS-CoV2. Sáu người khác tham dự hội nghị Grand Hyatt cũng đã mắc COVID-19: một người Malaysia, hai người Hàn Quốc và ba người Singapore.

Nó có thể là một đại dịch?

Một đại dịch liên quan đến quá trình lây truyền bền vững qua nhiều thế hệ tác nhân truyền nhiễm ở nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Cho đến nay, gần 98% số trường hợp đã xảy ra ở Trung Quốc. COVID-19 bên ngoài Trung Quốc có liên quan chủ yếu đến những du khách bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc. Quá trình lây truyền SARS-CoV2 duy trì bên ngoài Trung Quốc chỉ xảy ra ở một số quốc gia, nhưng mô hình đó rõ ràng là đang thay đổi nhanh chóng. Gần đây, chỉ trong khoảng thời gian 48 giờ, từ ngày 21 tháng 2 đến ngày 23 tháng 2, số ca được báo cáo ở Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi từ 204 lên 602; Hàn Quốc hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về số ca. Số ca cũng tăng đáng kể trong một vài ngày ở Iran gần đây từ 0 lên 43 và ở Ý từ 3 lên 132. Chúng tôi không có dữ liệu về sự hiện diện của COVID-19 ở những vùng có nguồn lực kém không có khả năng chẩn đoán bệnh này; mối quan tâm đặc biệt là các quốc gia ở Châu Phi nơi Trung Quốc phát triển sự hiện diện của mình rộng khắp trong nhiều năm qua (2).

Một tuần trước, các dấu hiệu của dịch COVID-19 xảy ra ở Hoa Kỳ dường như là thấp. Nhưng điều này cũng đang thay đổi nhanh chóng. Trong hơn 48 giờ, từ ngày 21 tháng 2 đến 23 tháng 2, các ca mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng từ 15 lên 35, bao gồm 13 ca liên quan đến du lịch, 18 ca là các công dân Hoa Kỳ hồi hương từ tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ở Nhật Bản và ba ca là các công dân Hoa Kỳ di tản khỏi Vũ Hán. Vào ngày thứ Tư, ngày 26 tháng Hai năm 2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: Một cư dân ở California, người đã không đi du lịch đến các quốc gia nơi vi rút SARS-CoV2 đang hoành hành và không tiếp xúc với bất kỳ ai bị nhiễm coronavirus, có thể là ca đầu tiên ở Hoa Kỳ thuộc diện "lây lan cộng đồng". Vấn đề đó hiện nay đã đưa số ca ở nước này lên tới 60, bao gồm cả 3 ca là những người Mỹ được hồi hương từ Vũ Hán và 42 ca từ tàu du lịch Diamond Princess, cộng với 15 ca được chẩn đoán xác định tại quốc gia này (3).

Phòng ngừa

Vẫn chưa có loại vắc-xin nào có thể ngăn ngừa được sự lây lan thêm của SARS-CoV2 và không có loại thuốc đặc hiệu nào chống vi rút. Nhưng các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đang nhanh chóng thử nghiệm các loại thuốc như Kaletra, một loại thuốc phối hợp của hai thuốc ức chế protease, lopinavir và ritonavir, được sử dụng để điều trị HIV/AIDS, chloroquine, một loại thuốc chống sốt rét và remdesivir, một thuốc tương tự nucleotide ban đầu được thử nghiệm chống Ebola. Nhiều tổ chức, bao gồm cả NIH, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, Đại học Hồng Kông, Đại học Queensland, Đại học Saskatchewan và một số công ty dược phẩm đang sử dụng bộ gen đã công bố để phát triển vắc xin có thể chống SARS-CoV-2 . Hi vọng rằng sự phát triển nhanh chóng về vắc xin và thuốc có thể làm giảm sự phát triển của COVID-19 thành một đại dịch.

Do đó, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là tránh tiếp xúc với SARS-CoV2 bằng các phương tiện

  • Phòng ngừa về đường hô hấp và tiếp xúc
  • Kiểm dịch

Các biện pháp phòng ngừa về đường hô hấp liên quan đến việc sử dụng khẩu trang. Có hai loại khẩu trang, khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang N-95. Bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang phẫu thuật, giúp chứa chất tiết đường hô hấp của họ để bảo vệ người khác. Tuy nhiên, khẩu trang phẫu thuật không vừa đủ chặt để bảo vệ những người không bị nhiễm khỏi hít phải khí thải ở đường hô hấp bị nhiễm vi rút (mặc dù khẩu trang có thể hạn chế lây truyền vi rút từ tay sang mũi và miệng). Vì vậy, những người tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh nên đeo khẩu trang N-95, vừa khít và bảo vệ người đeo khỏi thải khí thải của đường hô hấp qua không khí. Việc cung cấp khẩu trang N95 và các thiết bị bảo vệ khác, như là găng tay, tấm che mắt và áo choàng, có thể bị cạn kiệt trong một đợt bùng phát dịch kéo dài và nên ưu tiên sử dụng các vật dụng này cho những người có nguy cơ tiếp xúc với những người truyền nhiễm bệnh cao nhất, chẳng hạn như những người chăm sóc cho những người bị nhiễm bệnh.

 Các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc bao gồm

  • Tránh tiếp xúc gần với những người có COVID-19
  • Tránh chạm tay chưa rửa lên mắt, mũi và miệng
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay nào có cồn với ít nhất 60% cồn nếu không có xà phòng và nước.

Bề mặt môi trường thường xuyên bị nhiều người chạm vào (ví dụ: tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nút bấm trong thang máy) cần phải được làm sạch bằng khăn lau dùng một lần trước mỗi lần sử dụng.

Cách ly là cần thiết. Đối với bệnh nhân, mức độ nặng của bệnh giúp xác định xem họ phải được cách ly trong bệnh viện hay ở nhà. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà trong suốt thời gian ủ bệnh, tức là 14 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

 

Tài liệu tham khảo

1. Li Q, Guan X, Wu P, et al: Early transmission dynamics in Wuhan, China, of novel coronavirus-infected pneumonia. N Engl J Med 29 Jan. 2020. doi: 10.1056/NEJMoa2001316

2. Knowledge@Wharton: China's investment in Africa: What's the real story? Philadelphia, Wharton School, University of Pennsylvania 16 Jan. 2016.

3. Centers for Disease Control and Prevention: Coronavirus Disease 2019 (COVID-19): COVID-19 Situation Summary. Atlanta,GA, U.S. Department of Health and Human Services, Centers for Disease Control and Prevention. Cập nhật ngày 26 tháng 2 năm 2020. Truy cập vào ngày 27 tháng Hai năm 2020.

TIN MỚI NHẤT

Khám phá sức mạnh bảo vệ của miếng kháng khuẩn quai balo

Khám phá sức mạnh bảo vệ của miếng kháng khuẩn quai balo

Trong thế giới ngày nay, khi sự nhộn nhịp và
Miếng kháng khuẩn tay nắm cửa và vai trò quan trọng hằng ngày

Miếng kháng khuẩn tay nắm cửa và vai trò quan trọng hằng ngày

Tay nắm cửa, với vai trò quan trọng trong

CỘNG ĐỒNG